Chỉ số niềm tin kinh
doanh ở Trung Quốc giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 2 trong khi
sản xuất của nước này đã rơi xuống mức đáy của 2 năm qua.
Doanh nghiệp bi quan
Theo khảo sát được Công ty MNI Indicators (Anh) công bố hôm 22-2, Chỉ
số Niềm tin Kinh doanh của Trung Quốc trong tháng 2 đã giảm 4,6% xuống
49,9 điểm, so với mức 52,3 điểm của tháng 1. Chỉ số dưới 50 điểm phản
ánh sự lấn át của số doanh nghiệp bi quan với điều kiện kinh doanh so
với doanh nghiệp lạc quan.
Khảo sát được thực hiện trên 200 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán
Thượng Hải và Thâm Quyến này cũng cho thấy lĩnh vực sản xuất đã sụt
giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2-2014, còn số lượng đơn đặt hàng
mới tụt xuống thấp chưa từng thấy kể từ tháng 8-2012 giữa lúc nhu cầu
ngày càng èo uột ở nhiều lĩnh vực. “Không dễ đánh giá thực trạng kinh
tếTrung Quốc trong thời điểm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán do sự thiếu vắng của
các chỉ số thường kỳ về hoạt động kinh tế” - ông Philip Uglow, nhà kinh tế trưởng của MNI Indicators, nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng sự ảm đạm của chỉ số kinh doanh
phần nào dự báo khó có tiến triển khả quan trong các hoạt động kinh tế
vào dịp lễ hội đầu năm ở Trung Quốc.
Công nhân cắt thép ở công trường xây dựng tại TP Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô - Trung QuốcẢnh: REUTERS
Trong số khó khăn mà kinh tế Trung Quốc đối mặt, dư thừa công suất là
tình trạng gây nhiều lo ngại nhất. Phòng Thương mại Liên minh châu Âu ở
Trung Quốc (EUCC) hôm 22-2 cảnh báo sản xuất dư thừa trong các ngành
công nghiệp nặng ở Trung Quốc không chỉ hủy hoại kinh tế toàn cầu mà còn
đe dọa tăng trưởng kinh tế của nước này. “Bắc Kinh không tuân thủ chính
những biện pháp mà nước này đưa ra trong thập kỷ qua để giải quyết vấn
đề năng suất dư thừa” - Chủ tịch EUCC Joerg Wuttke chỉ trích.
Chỉ tính riêng sản lượng thép của Trung Quốc đã nhiều hơn 4 lần tổng
sản lượng của Nhật, Ấn Độ, Mỹ và Nga - 4 nhà sản xuất hàng đầu thế giới
khác. Trong khi đó, sản lượng xi măng “ra lò” tại Trung Quốc trong 2 năm
qua đã tương đương con số của Mỹ trong suốt thế kỷ XX.
Đe dọa thép châu Âu
Trong nỗ lực giảm thiểu thiệt hại, Liên minh châu Âu (EU) vừa mở cuộc
điều tra chống bán phá giá mới nhằm vào thép Trung Quốc nhập khẩu giữa
lúc các nhà sản xuất thép ở cả châu Âu và châu Á đang vật lộn với tình
trạng rớt giá thảm hại vì dư cung. Thực trạng này làm bùng nổ căng thẳng
giữa Trung Quốc và các nước phát triển, vốn đang cáo buộc nền kinh tế
số 2 thế giới phá giá.
Trung Quốc sản xuất một nửa lượng thép của thế giới nhưng nhu cầu nội
địa giảm mạnh vì kinh tế hụt hơi, buộc các nhà sản xuất phải đẩy mạnh
tìm kiếm cơ hội ở thị trường nước ngoài. Xuất khẩu thép của Trung Quốc
tăng 20% trong năm 2015, theo dữ liệu cơ quan Hải quan Trung Quốc. Cao
ủy Thương mại EU Cecilia Malmstroem tuyên bố: “EU không thể dung thứ
sự cạnh tranh thiếu công bằng của nhập khẩu giá rẻ giả tạo khiến nền
công nghiệp của chúng tôi bị đe dọa”.
Nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới ArcelorMittal (Luxembourg) trong
tháng này đã cáo buộc Bắc Kinh gây thiệt hại tới 8 tỉ USD trong năm 2015
và đẩy hàng ngàn công nhân vào cảnh thất nghiệp. Hôm 15-2, hơn 5.200
người làm việc trong ngành thép xuống đường tại thủ đô Brussels - Bỉ,
nơi đặt trụ sở của EU, để phản đối hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc
“làm ngập” thị trường.
Theo báo The Wall Street Journal, đại diện ngành công nghiệp thép của
các nước châu Âu đã lên tiếng cảnh báo tình hình sẽ thêm tồi tệ nếu EU
công nhận Bắc Kinh là nền kinh tế thị trường trong năm nay. Một bước đi
như thế sẽ khiến EU gặp khó trong việc đánh thuế nặng lên hàng nhập khẩu
từ Trung Quốc.